Hướng dẫn đổ mặt bàn từ nhựa Epoxy | Cọ Home DIY

HƯỚNG DẪN ĐỔ MẶT BÀN EPOXY

Bạn mê mẩn với những chiếc bàn Epoxy Resin? Bạn muốn DIY một mặt bàn Epoxy nghệ thuật như trên Youtube? Cọ Home sẽ hướng dẫn bạn cách tự pha nhựa và đổ mặt bàn Epoxy tại nhà. Hãy chuẩn bị các dụng cụ cần thiết và chúng ta bắt đầu nhé! 

Vẻ đẹp Bàn Epoxy resin.

1. EPOXY LÀ GÌ? ỨNG DỤNG CỦA ĐỒ NHỰA EPOXY

Trước tiên, chúng ta cần biết khái niệm về nhựa Epoxy và ứng dụng của nghệ thuật này trong chế tác đồ nội thất. 

Khái niệm Epoxy

Epoxy là một hỗn hợp gồm phần nhựa và hợp chất đóng rắn. Hai hỗn hợp này được trộn với nhau theo tỉ lệ chuẩn. 

Khi nhựa ở thể lỏng sẽ giúp bạn tạo các hiệu ứng đặc sắc và khô cứng lại bằng nhiệt độ trên 10 độ C. Khi lớp nhựa rắn lại bạn có thể vẽ và đổ tiếp các lớp nhựa khác, phục vụ cho từng ý đồ thẩm mỹ khác nhau. 

Ứng dụng của nhựa Epoxy trong chế tác nội thất

Nhựa Epoxy được dùng để tạo độ bóng, trong suốt cho bề mặt sản phẩm, giúp tăng cường tải trọng, bền vững trước thời gian, không nứt gãy, tan chảy, không bị bào mòn. Một số loại nhựa Epoxy được pha chế với chất chống tia UV, giúp giữ màu sắc trong suốt, bóng bẩy và đẹp mắt. 

Đồng thời nhựa Epoxy còn được sử dụng như loại hình nghệ thuật, tạo ra những sản phẩm nội thất đẹp mắt như bàn, ghế, tranh, đồng hồ…

Sau khi đọc xong bài viết này bạn có thể tự mình DIY những món nội thất và đồ trang trí, phụ kiện bằng nhựa Epoxy nữa đấy! Cùng Cọ Home tiếp tục nhé! 

2. CHUẨN BỊ DỤNG CỤ, VẬT LIỆU ĐỔ MẶT BÀN EPOXY

Dụng cụ và nguyên vật liệu cần thiết: 

  • Phôi gỗ
  • Khung đổ nhựa
  • Nhựa Epoxy Resin AB
  • Nhựa silicon
  • Chất tạo màu (dạng lỏng hoặc bột)
  • Sáp vaseline
  • Xô đựng nhựa
  • Dụng cụ trộn nhựa
  • Máy móc: Máy khoan, đinh vít, máy bào, giấy nhám, máy đánh bóng
  • Găng tay, khẩu trang (giúp bảo vệ sức khỏe của bạn khi tiếp xúc với các hóa chất và bụi gỗ)

3. HƯỚNG DẪN ĐỔ MẶT BÀN EPOXY

Sau khi chuẩn bị đầy đủ dụng cụ và nguyên vật liệu cần thiết, chúng ta tiến hành theo các bước sau: 

Bước 1: Xử lý phôi gỗ

Gỗ là vật liệu quan trọng để trang trí mặt bàn. Dùng máy bào kết hợp cùng giấy nhám để làm phẳng lại các góc, phần lồi lõm hay sần sùi của gỗ. Giúp gỗ sau khi đổ nhựa được thẩm mỹ hơn. 

Bước 2: Khung mặt bàn

Sử dụng khung đã chuẩn bị sẵn. 

Hoặc bạn có thể tự chế khung bằng các thanh gỗ, bắt vít lại với nhau và dùng nhựa silicon dán chặt các mối vít, mục đích là để chặn nhựa Epoxy sau khi đổ vào khung sẽ không bị rò rỉ. Thoa lớp sáp vaseline vào toàn bộ bên trong khung, giúp bạn lấy mặt bàn Epoxy ra dễ hơn sau khi nhựa rắn lại. 

Bước 3: Sắp đặt bố cục tiểu cảnh

Với những phôi gỗ đã được mài nhẵn, bạn hãy sắp đặt chúng vào trong khung. Nếu bạn có thêm các chi tiết như sỏi, đá, thủy sinh cũng có thể bỏ thêm vào trước khi đổ nhựa. 

Kiểm tra thật nhiều lần về bố cục. Bởi vì khi đổ nhựa sẽ không thể sửa lại được nữa. 

Nếu bạn chỉ đơn thuần muốn một bề mặt trong suốt, không có tiểu cảnh, thì có thể bỏ qua bước 3, chuyển sang bước 4 luôn nhé!. 

Bước 4: Pha nhựa Epoxy

Tỉ lệ pha 3:1. Với 3 phần nhựa Epoxy : 1 phần chất dung môi đóng rắn theo trọng lượng vào một chiếc xô. Lưu ý, chỉ pha 2-3kg nhựa cho 1 lần đổ. 

Nếu muốn có thêm màu sắc hãy pha thêm chất tạo màu vào trong nhựa. 

Dùng dụng cụ khuấy tay nhẹ nhàng từ 3 đến 5 phút cho nhựa và chất đóng rắn trộn lẫn. Khuấy cho đến khi hỗn hợp nhựa chuyển từ trắng đục sang trong suốt lại là được. 

Để nhựa nghỉ trong 3 phút cho bong bóng nổi bớt lên. Có thể dùng tăm để châm bong bóng trên bề mặt. 

Bước 5: Đổ nhựa Epoxy vào khung

Đổ nhựa từ từ, để nhựa tràn tự nhiên. Không đổ mạnh khiến nhựa nổi bọt khí,làm xê dịch bố cục tiểu cảnh và bắn nhựa lên các tiểu cảnh.  

Chờ 1-12h cho nhựa rắn lại, không tác động vào bề mặt nhựa trong thời gian này. Tùy khối lượng sử dụng mà nhựa có thể rắn nhanh hoặc chậm. 

Lưu ý: 

  • Không nạo vét nhựa trong xô để đổ thêm vì có thể nhựa chưa tan hết các bọt khí.
  • Nếu cần layer (chồng) các lớp nhựa thì phải để nhựa khô mới được đổ thêm. 

Bước 6: Gỡ nhựa khỏi khuôn và đánh bóng

Sau khi gỡ nhựa khỏi khuôn, nhựa sẽ có bề mặt hơi mờ. Ở bước này bạn có thể dùng máy mài để tạo hình lại cho mặt bàn Epoxy. Dùng máy đánh bóng cầm tay để loại bỏ bụi bẩn và giúp nhựa trong suốt, lộ ra các tiểu cảnh mà bạn đã trang trí.

Một mẫu bàn Epoxy đơn giản, hiện đại.

4. LƯU Ý KHI TỰ ĐỔ MẶT BÀN EPOXY

  • Luôn luôn sử dụng găng tay và khẩu trang để bảo vệ sức khỏe khi làm việc. 
  • Đặt mặt bàn Epoxy ở nơi khô ráo, thoáng mát, không tiếp xúc dưới tia UV quá lâu. 
  • Hoặc lựa chọn nhựa Epoxy chứa chất chống tia UV để giữ màu sạch sáng cho mặt bàn lâu hơn. 
  • Pha chế nhựa và đổ mặt bàn Epoxy ở nơi thông thoáng. Không thực hiện trong phòng kín vì trong một số loại nhựa có chứa chất VOCs gây hại cho sức khỏe.
  • Bắt buộc pha đúng tỉ lệ 3:1 để nhựa có thể rắn lại. 
  • Có thể pha màu trước với phần nhựa cho tan bọt khí rồi mới đổ vào chất làm rắn. 

Như vậy là Cọ Home đã Hướng dẫn đổ mặt bàn Epoxy xong. Hy vọng rằng với từng bước rõ ràng này có thể giúp các bạn tạo nên những chiếc bàn đẹp mắt. Và bạn có thể ứng dụng cho cả những tác phẩm trang trí nội thất 3D khác nữa đấy! 

Nếu bạn muốn đặt sản xuất mặt Epoxy theo yêu cầu hoặc mua sản phẩm đã hoàn thiện, xin vui lòng nhấn vào đây để tham khảo mẫu thiết kế nghệ thuật Epoxy của Cọ Home nhé!

CÁC THÔNG TIN KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN NGHỆ THUẬT EPOXY:

 

THÔNG TIN CHI TIẾT LIÊN HỆ:

CỌ HOME FURNITURE
Địa chỉ: TK37/7 Nguyễn Cảnh Chân, Phường Cầu Kho, Quận 1, TP.HCM
Điện thoại: 039 88 21 881
Email: cohome.furniture@gmail.com
Website: Co-home.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *